Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất và đang được nhiều người chú ý. Để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích về việc tầm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) nói chung và xét nghiệm HPV nói riêng, công ty GENTIS đã triển khai buổi đào tạo với Ths.Bs Nguyễn Cảnh Chương để được chia sẻ những tiến bộ mới nhất hiện nay. Buổi đào tạo có sự tham gia của TS. Phạm Đình Minh (Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển GENTIS) cùng các cán bộ nhân viên thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GENTIS và các bộ phận liên quan ở cả 2 miền Bắc Nam thông qua hình thức chia sẻ trực tiếp và trực tuyến.
Buổi đào tạo đã được Ths.BS Nguyễn Cảnh Chương chia sẻ rất đầy đủ về các vấn đề:
- Thực trạng ung thư cổ tử cung hiện nay tại Việt Nam hiện nay đang có xu hướng tăng sau khi làn sóng Covid-19 trải qua, người dân chưa chủ động đến cơ sở y tế thăm khám
- Các thông tin về virus HPV trên thế giới và tại Việt Nam, đưa ra chiến lược và tầm soát ung thư cổ tử cung theo nguồn lực quốc gia
- Cập nhật những thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức ACOG
- Đánh giá về xét nghiệm mRNA HPV, gợi ý hướng triển khai mới của các xét nghiệm mới tại Việt Nam,
Trong buổi đào tạo, các cán bộ nhân viên tại công ty GENTIS ở hai miền Nam Bắc đã thảo luận sôi nổi về ba hướng xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung đang được phát triển hiện nay là phương pháp phết mỏng tế bào cổ tử cung PAP SMEAR, phương pháp khám cổ tử cung với test acetic (VIA) và phương pháp xét nghiệm HPV. Theo đó, từ tổng quan và góc nhìn chung, Ths.Bs Nguyễn Cảnh Chương nhận thấy rằng đa phần người dân Việt Nam sàng lọc chủ yếu dựa trên 2 phương pháp là phương pháp PAP SMEAR và phương pháp VIA.
Tuy nhiên trên toàn thế giới, theo Tổ chức Y tế WHO vào tháng 07/2021, phương pháp HPV-DNA là phương pháp phổ biến nhất toàn cầu, được ưa chuộng hơn phương pháp PAP và phương pháp VIA. Bởi vì HPV-DNA là phương pháp khách quan, đơn giản, không để lại khoảng trống phiên giải kết quả, ngăn ngừa nguy cơ gây ung thư, và cũng tiết kiệm chi phí hơn so với PAP và VIA. Bên cạnh đó, loại bỏ sàng lọc dựa trên xét nghiệm Tế bào học trong tương lai gần cũng là xu hướng của Tổ chức ACOG. Dù vậy, theo ACOG, cho đến khi HPV đầu tay trở nên phổ biến rộng rãi và dễ tiếp cận hơn, xét nghiệm tế bào học vẫn nên được đưa vào khuyến cáo sàng lọc UTCTC .
Theo Ths.Bs Nguyễn Cảnh Chương, việc phát triển HPV được chia thành 3 hướng xét nghiệm bao gồm xét nghiệm HPV-DNA, xét nghiệm định type và xét nghiệm APTIMA. Khác với các xét nghiệm HPV DNA đang có trên thị trường chỉ phát hiện được người lành mang virus, APTIMA HPV là xét nghiệm dựa trên công nghệ phát hiện gen gây ung thư E6, E7 mRNA, có độ nhạy lên tới 99% để phát hiện ung thư cổ tử cung. Ths.Bs Nguyễn Cảnh Chương cho biết xét nghiệm HPV DNA và xét nghiệm định type phổ biến rộng rãi hơn so với xét nghiệm APTIMA ở Việt Nam. Theo đó, Ths.Bs nhấn mạnh rằng nên có thêm công cụ sàng lọc để có thể phát hiện sớm giúp giảm bớt gánh nặng và tỉ lệ tử vong do UTCTC.
Cuối buổi đào tạo, các cán bộ nhân viên GENTIS cùng với Ths.Bs Nguyễn Cảnh Chương đã trao đổi và đi đến kết luận chiến lược quản lý và tầm soát ung thư cổ tử cung cần được áp dụng phù hợp với hoàn cảnh và nguồn lực. Vai trò của xét nghiệm HPV đã được khẳng định và mở rộng hơn cho chỉ định tầm soát đầu tay đối với phụ nữ từ 25 tuổi trở lên, đa nhiễm HPV có thể tăng nguy cơ tiến triển thành UTCTC.
Hiện tại bất bình đẳng trong tiếp cận sàng lọc vẫn tiếp tục tồn tại và việc tự thu mẫu HPV cùng loại bỏ xét nghiệm Tế bào học được Ths. Bs Nguyễn Cảnh Chương và Công ty GENTIS nhận định có thể là xu hướng trong tương lai.