Bất thường nhiễm sắc thể (NST) thai xảy ra khoảng 1/150 trẻ sinh sống, là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong và bệnh tật cho trẻ sơ sinh trên toàn thế giới [1],[2]. Chiếm khoảng 83,0% của những bất thường này là do trisomy 21, 18, 13 và lệch bội NST giới tính gây ra hội chứng Down, Edwards, Patau, Turner... [3].
Xét nghiệm NIPT với nguyên lý phân tích DNA thai tự do (Cell free fetal DNA-cffDNA) sàng lọc lệch bội NST sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) đã được chứng minh là phương pháp sàng lọc trước sinh có độ chính xác cao nhất hiện nay. Vậy ý nghĩa của xét nghiệm NIPT đối với đa thai là như thế nào, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn.
Ý NGHĨA CỦA XÉT NGHIỆM NIPT TRONG ĐA THAI
Một thai kỳ có nhiều hơn một thai được gọi là đa thai. Thường gặp nhất là song thai, các trường hợp 3 thai, 4 thai hay thậm chí nhiều hơn cũng có thể gặp nhưng rất hiếm. Song thai có tỷ lệ vào khoảng 1/100 – 1/150 số ca sinh và có 2 dạng:
- Song thai cùng trứng (hiếm hơn – khoảng 1/250 số ca sinh): phát triển từ một trứng thụ tinh bởi một tinh trùng, nhưng trong quá trình phát triển thì chia làm 2 thai, song thai dạng này sẽ sinh ra 2 bé hoàn toàn giống nhau về hình dạng bên ngoài, kiểu gen di truyền và có cùng giới tính.
- Song thai khác trứng là 2 trứng thụ tinh bởi 2 tinh trùng khác nhau và phát triển đồng thời thành 2 thai. Trong những người có dùng phương pháp hỗ trợ sinh sản, có khoảng 25-30% là song thai (tam thai chiếm khoảng 5%), do việc chuyển nhiều hơn 1 phôi (IVF) hoặc kích thích rụng nhiều hơn 1 noãn (IUI).
Hiện nay, tỉ lệ mang thai ở tuổi mẹ cao và tỉ lệ thực hiện hỗ trợ sinh sản ngày càng gia tăng dẫn đến số lượng các ca sinh đa thai ngày càng nhiều. Đa thai dễ mang biến chứng và có nguy cơ cao bị tổn thương liên quan đến thủ thuật sau khi chọc ối.
Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh bằng huyết thanh thai phụ kết hợp với siêu âm và một số yếu tố nguy cơ có thể tăng tỷ lệ phát hiện tối đa lên tới 90% nhưng tỷ lệ dương tính giả vẫn khá cao là 5,0% [4]. Do đó việc sử dụng phương pháp sàng lọc NIPT có độ chính xác cao áp dụng cho Đa thai cực kỳ có ý nghĩa vì sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ thai phụ phải thực hiện các thủ thuật xâm lấn không cần thiết, có thể gây ảnh hưởng tới thai phụ và thai nhi.
NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA XÉT NGHIỆM NIPT ĐỐI VỚI ĐA THAI
Nghiên cứu 1 [5]
Nghiên cứu thực hiện trên 997 phụ nữ mang thai bao gồm mang thai tự nhiên và thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản: Cụ thể trên 854 thai đôi và 143 thai đơn. Kết quả cho thấy độ nhạy phát hiện đối với Trisomy 21 là 98.2%, tương tự độ nhạy của NIPT trong thai đơn
Nghiên cứu 2 [6]
Nghiên cứu được thực hiện trên 800 phụ nữ mang thai đôi và 06 phụ nữ mang thai ba tại Ý (397 mẹ mang thai tự nhiên và 403 mẹ ART) để đánh giá hiệu quả NIPT đa thai so với đơn thai
- Mẫu sử dụng: 5mL máu mẹ ở thai tuần tuần thứ 9 – 32. Bảo quản mẫu: tối đa 5 ngày ở 4 độ C
- Phương pháp: Giải trình tự toàn bộ hệ gen (WGS) trên hệ thông máy NextSeq 550 Illumina
- Phát hiện bất thường trên 3 cặp NST 21, 18 và 13.
Kết quả nghiên nghiên cứu:
- Với phát hiện Trisomy 21 (T21) và T18: độ nhạy là 100%, độ đặc hiệu là 100%
- Với T13: độ nhạy là 99.77% và độ đặc hiệu là 100%
Kết luận:Nghiên cứu chứng minh được Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm NIPT cho đa thai tương tự như thực hiện NIPT trên thai đơn. Do đó có thể thực hiện NIPT cho các trường hợp đa thai trên 3 Hội chứng Trisomy 13,18,21.
Nghiên cứu 3[7]
NIPT là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh lý tưởng cho phụ nữ mang thai IVF do độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc sàng lọc dị bội NST ở thai nhi.
XÉT NGHIỆM NIPT ĐA THAI KHÁC GÌ SO VỚI NIPT ĐƠN THAI
Các nghiên cứu hiện nay chứng minh hiệu quả sàng lọc của NIPT trên đa thai mới chỉ tập trung vào 3 hội chứng: Down, Edwards, Patau. Các bất thường về nhiễm sắc thể còn lại hay NST giới tính vẫn chưa có dữ liệu nghiên cứu chứng minh được hiệu quả rõ ràng.
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn mặc dù được coi là xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao nhất nhưng cũng còn một số giới hạn nhất định. Tương tự như xét nghiệm NIPT trên thai đơn, xét nghiệm NIPT áp dụng cho đa thai cũng có những hạn chế như tỷ lệ âm tính giả và dương tính giả.
- Âm tính giả là trường hợp thai có bất thường lệch bội nhiễm sắc thể nhưng xét nghiệm sàng lọc cho kết quả âm tính.
- Dương tính giả là trường hợp thai không có các bất thường lệch bội về các nhiễm sắc thể nhưng xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính.
- Có một tỷ lệ nhỏ kết quả không đưa ra được kết luận NST của thai nhi, nhưng có thể phản ánh sự thay đổi của NST nhau thai (trong trường hợp thể khảm nhau thai, CPM) hoặc của thai phụ (trong trường hợp thai phụ bị bất thường số lượng NST). Ví dụ tình trạng NST giới tính, XXX của thai phụ hay thai phụ đang bị khối u lành tính, ác tính, trường hợp thai phụ truyền máu trong vòng 6 tháng hoặc trường hợp thai bị tiêu biến (Đối với trường hợp thai tiêu biến: khoảng cách tối thiểu từ khi thai tiêu biến đến thời điểm làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn là từ 8-12 tuần)
Việc sàng lọc NIPT cần kết hợp với siêu âm theo dõi trong suốt thai kỳ được chứng minh có vai trò hiệp đồng và mang lại hiệu quả cao trong quản lý đa thai [8].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Centers for Disease Control and Prevention (CDC) (2008). Update on overall prevalence of major birth defects-Atlanta, Georgia, 1978-2005. MMWR Morb Mortal Wkly Rep, 57(1), 1- 5.
- Nussbaum RL, McInnes RR, Willard HF et al (2007). Thompson & Thompson genetics in medicine. 7th edition, Philadelphia: Saunders/ Elsevier.
- Diana Wellesley et al (2012). Rare chromosome abnormalities, prevalence and prenatal diagnosis rates from population-based congenital anomaly registers in Europe. European Journal of Human Genetics, 20, 521-526
- Otano L, Aiello H, Igarzabal L et al (2002). Association between first trimester absence of fetal nasal bone on ultrasound and Down's syndrome. Prenat Diagn, 22, 930-932.
- Gil, M. M., et al. "Screening for trisomies by cfDNA testing of maternal blood in twin pregnancy: update of The Fetal Medicine Foundation results and meta‐analysis." Ultrasound in Obstetrics & Gynecology53.6 (2019): 734-742.
- La Verde, Marco et al. “Performance of cell-free DNA sequencing-based non-invasive prenatal testing: experience on 36,456 singleton and multiple pregnancies.” BMC medical genomicsvol. 14,1 93. 30 Mar. 2021, doi:10.1186/s12920-021-00941-y
- Jin, Xiao-Xiao et al. “Clinical Application of Noninvasive Prenatal Testing for Pregnant Women with Assisted Reproductive Pregnancy.” International journal of women's health vol. 13 1167-1174. 30 Nov. 2021, doi:10.2147/IJWH.S337249
- Benn, Peter, and Andrei Rebarber. "Non‐invasive prenatal testing in the management of twin pregnancies." Prenatal Diagnosis 41.10 (2021): 1233-1240.