Sản khoa

CD138

Viêm nội mạc tử cung và CD138

Viêm nội mạc tử cung mạn tính (VNMTCMT) là tình trạng viêm liên tục, đặc trưng bởi sự xâm nhập của các tương bào vào trong mô đệm của nội mạc tử cung.

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán VNMTCMT là sử dụng phương pháp hóa mô nhằm phát hiện các tương bào trên tiêu bản nhuộm của nội mạc tử cung. Các phương pháp như hóa mô HE thường gây khó khăn cho cả các chuyên gia vì tại nội mạc tử cung có nhiều tế bào với hình thái khác nhau có thể khiến cho việc đọc kết quả trở nên khó khăn. Do đó phương pháp hóa mô miễn dịch dựa trên sự xuất hiện của dấu ấn tương bào CD138 (hay còn gọi là syndecan -1) đã được phát triển để chẩn đoán VNMTCMT.

Vi khuẩn trong buồng tử cung gây thay đổi:

- Thay đổi quần thể tế bào miễn dịch liên quan đến quá trình cấy phôi, với sự hiện diện nhiều hơn của tế bào lympho B.

- Giảm sự hiện diện của tế bào Nk.

- Tăng số lượng kháng thể.

- Sửa đổi một loạt các gen liên quan đến quá trình cấy phôi.

- Thay đổi bài tiết các cytokine khác nhau và các yếu tố khác liên quan đến khả năng thụ cảm của NMTC

- Gây kháng progesterone ở mức độ NMTC.

- Điều chỉnh mô hình phát triển bình thường của NMTC

- Tăng co bóp của tử cung trong thời kỳ chu kỳ làm tổ.

=> Các thay đổi này tác động tiêu cực đến sự làm tổ của phôi, trên thực tế, nó thường liên quan đến sự thất bại trong việc cấy ghép và sảy thai nhiều lần.

Ai nên thực hiện xét nghiệm

Tuần suất mắc phải của VNMTCMT là khoảng 8 – 72% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các yếu tố nguy cơ là

+ Đặt dụng cụ tử cung (kể cả trong thời gian ngắn, viêm nhiễm vẫn tiếp diễn sau khi tháo dụng cụ).

+ Tiền sử mang thai và triệu chứng phụ khoa, ví dụ như chảy máu tử cung nhiều lần không điển hình.

+ Viêm âm đạo do vi khuẩn, polyp nội mạc, lạc nội mạc tử cung.

Ý nghĩa của xét nghiệm

Có mối liên quan giữa VNMTCMT và vô sinh. Có 2.8 – 56.8% phụ nữ vô sinh, 14 – 67.5% nhóm thất bại làm tổ nhiều lần và 9.3 – 67.6% nhóm phụ nữ sảy thai liên tiếp được chẩn đoán VNMTCMT. Do tần suất xuất hiện rất cao trong các nhóm sảy ra biến chứng thai kỳ, nên đây là một bệnh cần phải tránh khi mang thai.

Kitaya et al. chỉ ra rằng ở nhóm thất bại làm tổ nhiều lần, những bệnh nhân xuất hiện VNMTCMT khi được điều trị sẽ có tỉ lệ sinh sống ở chu kỳ chuyển phôi đầu tiên (32.8%) và tỉ lệ sinh sống tổng hợp của 3 chu kỳ đầu tiên (38.8%) cao hơn hẳn so với nhóm chứng (22.1% và 27.9%) [1].

Mặc dù còn nhiều ý kiến về việc VNMTCMT có ảnh hưởng đến khả năng hay không, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng việc điều trị tình trạng VNMTCMT có khả năng sẽ nâng cao tỉ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản.

Công nghệ/ phương pháp

Hiện nay việc chẩn đoán VNMTCMT thường sử dụng phương pháp hóa mô miễn dịch với dấu ấn CD138. Việc sử dụng phương pháp này có nhiều ưu điểm so với phương pháp HE. Trong phương pháp HE, các tế bào đơn nhân và các tế bào đệm dạng tương bào có thể bị nhầm lẫn thành tương bào, khiến tỉ lệ dương tính giả tăng lên. Hơn nữa, việc sử dụng CD138 cũng khiến việc đếm các tương bào dễ hơn (vì các tương bào hiện rất rõ trên vi trường), làm giảm thời gian cần thiết để làm xét nghiệm xuống. Vì vậy, so với nhuộm HE, việc sử dụng CD138 là phương pháp đáng tin cậy hơn.

(Hình 1 - bên phải) Hóa mô miễn dịch phát hiện tương bào bằng dấu ấn CD138 so với nhuộm HE (hình 2 bên phải)

Bayer-Garner et al. nghiên cứu trên 47 bệnh nhân sử dụng phương pháp nhuộm HE và CD138. Trong khi nhuộm HE phát hiện được 7 ca VNMTCMT, sử dụng CD138 phát hiện được thêm 13 ca nữa [3]. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng khả năng phát hiện của phương pháp hóa mô miễn dịch bằng CD138 có khả năng phát hiện cao hơn so với nhuộm HE và phương pháp hình thái (56% so với 13%, P < 0.01) [4].

Để có thể kết luận tình trạng VNMTCMT trên thực tế cần cả các bằng chứng liên quan đến hình thái của tế bào nội mạc tử cung, vì vậy xét nghiệm tại Gentis thực hiện kết hợp việc xác định tương bào bằng nhuộm hóa mô miễn dịch CD138 và nhuộm HE để xác định hình thái tế .

Tiêu chuẩn chẩn đoán

  • Âm tính: 0 tương bào/ 10 vi trường độ phóng đại lớn
  • Nhẹ (1+): 1- <5 tương bào/10 vi trường độ phóng đại lớn
  • Vừa (2+): 5-10 tương bào/10 vi trường độ phóng đại lớn
  • Nặng (3+): > 10 tương bào/10 vi trường độ phóng đại lớn

Giá trị cutoff thường khác nhau ở các tác giả trên thế giới. Có tác giả chỉ cần 1 tương bào/10 vi trường độ phóng đại lớn. Tuy nhiên đa phần lấy giá trị 5 tương bào/10 vi trường độ phóng đại lớn là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định VNMTCMT [5].

Quy trình thu mẫu và bảo quản

  • 0,5 cm3 mẫu sinh thiết sinh thiết nội mạc tử cung thực hiện thu bởi bác sỹ chuyên khoa, cho vào ống eppendorf 1.5ml sạch chứa 10% formol, và bảo quản mẫu ở nhiệt độ thường chuyển tới phòng xét nghiệm GENTIS. Trong quá trình lấy mẫu và bảo quản, tránh để bệnh phẩm dính thành lọ làm ảnh hưởng đến chất lượng mô dẫn đến ảnh hưởng xấu đến chất lượng xét nghiệm.
  • Mẫu thường được lấy vào pha hoàng thể, giai đoạn mà niêm mạc tử cung dày hơn bình thường để dễ thu thập mẫu và lấy được nhiều mẫu giúp quá trình phân tích kết quả thuận lợi và chính xác hơn. Tuy nhiên, cần tránh giai đoạn niêm mạc tử cung dày nhất (những ngày cuối chu kỳ) do có thể gây xung huyết trong quá trình lấy mẫu vì giai đoạn này có nhiều mạch máu bên dưới niêm mạc tử cung.

Lưu ý:

  • Mẫu phải chìm và tiếp xúc hoàn toàn với formol, tránh tình trạng dính 1 bên vào thành hay đáy dụng cụ chứa.
  • Formol sau 1 thời gian sử dụng sẽ mất nồng độ, khi không còn thấy mùi nồng đặc trưng của formol nữa thì cần thay mới dung dịch.
  • Cần phải lấy mẫu ở sâu chứ không phải chỉ trên bề mặt do các tương bào tập trung ở xung quanh các mạch máu ở gần lớp nền hơn. 

Thời gian trả kết quả: 3-5 ngày làm việc

Tài liệu tham khảo: 

1, Kitaya, K., et al., Live birth rate following oral antibiotic treatment for chronic endometritis in infertile women with repeated implantation failure. American journal of reproductive immunology (New York, N.Y. : 1989), 2017. 78(5).

2, Takebayashi, A., et al., The Association between Endometriosis and Chronic Endometritis. PLOS ONE, 2014. 9(2): p. e88354.

3, Bayer-Garner, I.B., J.A. Nickell, and S. Korourian, Routine Syndecan-1 Immunohistochemistry Aids in the Diagnosis of Chronic Endometritis. Archives of Pathology & Laboratory Medicine, 2004. 128(9): p. 1000-1003.

4, McQueen, D.B., et al., Pregnancy outcomes in women with chronic endometritis and recurrent pregnancy loss. Fertility and Sterility, 2015. 104(4): p. 927-931.

6, Song, D., et al., Prevalence and confounders of chronic endometritis in premenopausal women with abnormal bleeding or reproductive failure. Reproductive BioMedicine Online, 2018. 36(1): p. 78-83.

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ TẠI GENTIS
Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của GENTIS,
Quý khách vui lòng điền thông tin bên dưới để được hỗ trợ,
tư vấn một cách tốt nhất!
Đối tác