Câu chuyện được Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên giám đốc Trung tâm giám định ADN, nguyên Phó viện trưởng - Viện khoa học hình sự, chia sẻ với VnExpress, ngày 9/3. Không lâu sau, chị Hồng mang thai. Hoang mang không biết đứa bé là con ai, chị gọi điện đến một trung tâm xét nghiệm ADN nhờ tư vấn.
Muốn xác định huyết thống, chuyên gia cần lấy mẫu máu tĩnh mạch của chị và mẫu xét nghiệm ADN của người chồng, bao gồm một trong những mẫu sau: mẫu máu toàn phần, mẫu niêm mạc miệng (5-7 tăm bông, để khô 3-5 phút cho khô rồi cho vào túi sạch), tóc có chân hoặc móng tay...
Nhân lúc chồng ngủ say, chị Hồng lén lấy mẫu tóc có chân, bảo quản, sau đó mang đến trung tâm xét nghiệm. Lúc này, em bé trong bụng chị mới được 10 tuần.
Chuyên gia lấy 7-10 ml máu tĩnh mạch của chị Hồng, dùng công nghệ giải trình tự, phân tích ADN tự do của thai nhi trong máu mẹ, tách chiết ADN, nhân bội rồi đưa vào hệ thống giải trình tự gene, sau đó tiến hành so sánh với mẫu ADN của chồng.
Đại tá Khanh cho biết, có hai phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi, là xâm lấn và không xâm lấn. Trong đó, phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi không xâm lấn có thể thực hiện sớm từ tuần thai thứ 6++, độ chính xác 99,9%.
Theo phân tích, tế bào nhau thai của thai nhi có chứa ADN. Khi các tế bào nhau thai chết theo chu trình sẽ giải phóng ADN tự do (cffDNA) vào máu của người mẹ. Số lượng ADN của thai nhi thường chiếm khoảng 10% trong máu của người mẹ. cffDNA của thai nhi có thể xác định được từ tuần thai thứ 7 sau khi mang thai và sau đó tăng dần nồng độ theo sự phát triển của của thai nhi. Nồng độ của cffDNA đạt đỉnh từ 10-20% ở tuần thai thứ 10 đến 21 tuần.
Công nghệ giải trình tự sẽ phân tích ADN tự do của thai nhi trong máu mẹ để xác định được mối quan hệ với người cha giả định. Xét nghiệm huyết thống không xâm lấn thực hiện ở tuần thai thứ 10, khi nồng độ cffDNA trong máu mẹ đã đủ để tách chiết và phát hiện. Kết quả có trong khoảng 10 ngày.
"Phương pháp không xâm lấn rất an toàn, có ưu điểm là dễ lấy mẫu, giảm thiểu đau đớn do không phải sinh thiết gai nhau hoặc chọc dò nước ối, an toàn cho thai nhi cũng như sản phụ", đại tá Khanh nói.
Bên cạnh đó là phương pháp xâm lấn sử dụng mẫu nước ối hoặc tế bào gai nhau để phân tích. Với phương pháp này, sản phụ cần phải có sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho bào thai.
Theo ông Khanh, do quá trình tái hấp thụ nước ối qua hệ tiêu hóa, da, dây rốn và màng ối của thai nhi mà trong nước ối có chứa các tế bào ADN của bào thai. Khi nước ối được gửi đến cơ sở y tế, kỹ thuật viên sẽ tách chiết ADN của đứa trẻ để phân tích. Thời điểm phù hợp để tiến hành chọc dò ối là tuần 16 đến 22 của thai kỳ. Bất cứ xét nghiệm chọc ối nào cũng cần tư vấn của bác sĩ vì phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian nhận kết quả cho xét nghiệm ADN xâm lấn từ 4 giờ đến 3 ngày.
Xét nghiệm ADN là phân tích các mẫu ADN của cá nhân để tìm ra dữ liệu di truyền của mỗi người. Từ đó, so sánh, xác định các cá nhân trong diện nghi ngờ có mối quan hệ huyết thống thật sự với nhau không.
Xét nghiệm ADN không chỉ có ý nghĩa về mặt cá nhân trong việc nhận người thân, huyết thống. Công việc này còn giúp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một cá nhân hay tổ chức, như xét nghiệm ADN để làm nhập tịch, visa, xét nghiệm ADN để làm giấy khai sinh, xác định quyền nuôi và trợ cấp đối với con cái, xét nghiệm ADN để thực hiện quyền chia tài sản, thừa kế...
Quay lại câu chuyện chị Hồng, đại tá Khanh tiết lộ, kết quả ADN cho thấy đứa con trong bụng cùng huyết thống với người chồng. Cầm tờ giấy trên tay, chị Hồng như trút được gánh nặng nhưng cũng không khỏi hối hận về lầm lạc đã qua. "Mong rằng không ai yếu lòng như tôi", chị chia sẻ.
* Tên nhân vật được thay đổi