Gen CFTR (cystic fibrosis transmembrane conductance regulator) là một gen nằm trên nhánh dài nhiễm sắc thể số 7. Gen CFTR mã hoá cho protein CFTR, hoạt động như một kênh ion trên các tế bào biểu mô, có chức năng quan trọng trong việc điều hoà vận chuyển ion qua màng tế bào, đặc biệt ở các tuyến ngoại tiết của hệ hô hấp, tuyến tụy ngoại tiết, hệ tiêu hoá và hệ sinh dục nam.
Đột biến gen CFTR ảnh hưởng rất nhiều đến phổi (làm phế quản phổi đông đặc lại, gây ra hiện tượng tắc nghẽn đường thở), gây ra các bệnh lý tuyến ngoại tiết khác của đường mật (tắc mật, vàng da,...), các bất thường về tuyến tụy và đặc biệt là ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nam giới.
Đây cũng là những chia sẻ của Bs Nguyễn Bá Hưng - Bác sĩ Nam khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tại chương trình “Tư vấn di truyền - Thảo luận cùng chuyên gia” của Công ty GENTIS về chủ đề “GEN CFTR và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản”.
Theo thống kê trên thế giới, đột biến gen CFTR xuất hiện ở 78% người bệnh bất sản ống dẫn tinh hai bên, 46% bất sản ống dẫn tinh một bên và 34-47% tắc nghẽn mào tinh không rõ nguyên nhân1. Nhiều người bệnh khi thăm khám nam khoa không có tinh trùng, không có ống dẫn tinh, sau khi xét nghiệm thì phát hiện ra có các bất thường về gen CFTR. Do đó, đột biến CFTR có thể biểu hiện ở tình trạng bất sản ống dẫn tinh, bất sản đường dẫn tinh, hoặc có thể là bất sản ống dẫn tinh đơn thuần, bất sản ống dẫn tinh với túi tinh. Ngoài ra cấu trúc của đường dẫn tinh cũng biến đổi, có thể là mào tinh hoàn có dị dạng.
Trường hợp nam giới trưởng thành bị bất sản ống dẫn tinh và được bác sĩ thắt ống dẫn tinh lại thì họ vẫn có thể sống, sinh hoạt, quan hệ tình dục bình thường. Tuy nhiên chỉ riêng việc có con là không thể bởi đường dẫn tinh đã bị tắc (dẫn tới tinh trùng không ra được).
Do đó BS Nguyễn Bá Hưng khuyến cáo cần lưu ý phát hiện để có cách tiếp cận, hỗ trợ sinh sản sớm bởi vì trong giai đoạn nam giới còn trẻ thì tinh trùng cũng trẻ khỏe, thời gian tinh trùng bị “nhốt” còn ít nên nếu được can thiệp sớm sẽ chọn lọc được tinh trùng khỏe và cơ hội tạo ra em bé mạnh khỏe có tỉ lệ thành công cao. Còn những người bất sản ống dẫn tinh lâu năm, lấy vợ muộn thì tỷ lệ điều trị sau này sẽ có thành công thấp, đứa trẻ sinh ra cũng có thể bị nhiều vấn đề.
Hiện nay, ngoài những nghiên cứu đã được các Hiệp hội chuyên môn tổng kết và đưa vào hướng dẫn điều trị thực hành lâm sàng hoặc sách giáo khoa thì BS Nguyễn Bá Hưng còn đưa ra những cập nhật về guideline trong tiếp cận - điều trị đột biến gen CFTR. Hai guideline này đều là tổng hợp của nhiều nghiên cứu rất giá trị trên thị trường bao gồm guideline của Hội niệu khoa Châu Âu và Hội niệu khoa Mỹ.
Trong hai guideline, các chuyên gia nhấn mạnh về vai trò của gen CFTR trong điều trị vô sinh nam và có hướng dẫn rõ ràng rằng: với nam giới có tình trạng bất sản ống dẫn tinh thì bắt buộc phải làm xét nghiệm gen CFTR. Mặt khác, vợ của người bệnh cũng nên thực hiện xét nghiệm, nếu người vợ không có tình trạng dị hợp tử thì không cần phải sàng lọc. Còn nếu người vợ cũng mang gen dị hợp tử thì sau này khi muốn sinh em bé sẽ cần phải thực hiện các phương pháp như sàng lọc tiền làm tổ, thụ tinh trong ống nghiệm, và sàng lọc di truyền trước khi chuyển phôi (chọn phôi không bị mang gen bệnh để chuyển vào).
Qua những nghiên cứu trên thế giới và đánh giá từ bác sĩ lâm sàng, có thể thấy mối liên hệ giữa vô sinh nam và đột biến gen CFTR là rất lớn. BS Nguyễn Bá Hưng nhận định, xét nghiệm CFTR là xét nghiệm cần thiết và quan trọng, là một kỹ thuật mới cần triển khai trong nam khoa. Đến hiện nay, GENTIS là một công ty uy tín về xét nghiệm gen di truyền, có cung cấp xét nghiệm đột biến gen CFTR này.
Xét nghiệm gen CFTR tại GENTIS sẽ xác định được 15 đột biến thường gặp nhất bao gồm: Phe508Del; Trp1282Ter; 3821DelT; 2143delT; 3849+10kb C/T; Asn1303Lys; Gly542Ter; Arg553null; 1677DelTA; Arg117His; 394DelTT; Gly551Asp; Arg334Trp; M470; IVS8. Phương pháp được sử dụng là Realtime-PCR & Gene sequencing với độ chính xác rất cao. Quy trình xét nghiệm bắt đầu bằng việc:
B1: Lấy mẫu khách hàng
– Lấy mẫu máu ngoại vi vào ống chống đông EDTA vô khuẩn, mỗi ống chứa 2 – 3ml máu, mỗi bệnh nhân lấy 1 ống máu. Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi lấy máu, đảm bảo thứ tự các ống lấy máu theo quy định.
– Lấy mẫu dịch ối: dịch ối đã qua nuôi cấy, hoặc DNA tách từ dịch ối đã qua nuôi cấy.
B2: Bảo quản mẫu ở 4 – 8oC trong 1 – 2 ngày, hoặc ở -20oC trong 2 – 10 ngày.
B3: Chuyển mẫu về Trung tâm xét nghiệm GENTIS.
B4: Trả kết quả cho khách hàng trong 15 - 25 ngày.
Bác sĩ Hưng mong muốn GENTIS sẽ cung cấp công nghệ xét nghiệm này cho các cơ sở, trung tâm khám chữa bệnh về sinh sản để họ có cơ hội áp dụng xét nghiệm. Từ đó có thể đánh giá và phục vụ trong công tác điều trị vô sinh nam, nghiên cứu khoa học, dự phòng sàng lọc bệnh cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng.
1 : nguồn https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8039587/
Vân Anh