ĐẶT VẤN ĐỀ
Có tới 50% nguyên nhân gây vô sinh - hiếm muộn ở các cặp vợ chồng là đến từ nam giới. Tuy nhiên, với sự ra đời của phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), nam giới trong các cặp đôi hiếm muộn thường ít được chú ý trong việc đánh giá chính xác sức khỏe sinh sản. Theo đó, phân tích tinh dịch đồ thông thường gần như là xét nghiệm mà nhiều bác sĩ nam khoa chỉ định, giúp xác định thông tin về khả năng sinh sản của bệnh nhân nam, bất chấp xét nghiệm này có rất nhiều sai sót chủ quan.
Một trong những công cụ hữu ích giúp bác sĩ nam khoa chẩn đoán và tìm nguyên nhân vô sinh ở nam giới là xét nghiệm Phân mảnh DNA tinh trùng (SDF). Tầm quan trọng của xét nghiệm này đã được thừa nhận trong hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA) và Hiệp hội Tiết niệu Châu Âu (EAU) về vô sinh nam. Nhưng dường như tại Việt Nam xét nghiệm này còn ít được chú ý, do phần lớn nam giới khi đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản không được thăm khám đầy đủ bởi bác sĩ nam khoa.
ỨNG DỤNG LÂM SÀNG
Tính toàn vẹn DNA của tinh trùng đóng một phần quan trọng trong quá trình thụ tinh và quá trình phát triển phôi sớm, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai tự nhiên. Việc DNA tinh trùng bị phân mảnh cao sẽ ảnh hưởng đến mong muốn làm cha của nam giới, mà điều này không thể phát hiện qua khảo sát tinh dịch đồ.
Các nghiên cứu lớn được thực hiện trong những năm gần đây đã nâng cao hiểu biết của y giới về cơ chế tác động gây ra phân mảnh DNA của tinh trùng và các tình huống lâm sàng trên xét nghiệm SDF đều có lợi cho quyết định điều trị, giúp nâng cao tỉ lệ thành công.
Cụ thể, nam giới cần được khảo sát sự phân mảnh DNA tinh trùng khi:
- Vô sinh không rõ nguyên nhân: Là tình trạng chưa thể tìm thấy được nguyên nhân gây vô sinh ở cả 2 vợ chồng, thông qua các xét nghiệm cơ bản ban đầu. Lưu ý rằng với tinh dịch đồ có các thông số bình thường, thì chúng ta không thể nhận biết được rằng tinh trùng có bị phân mảnh DNA hay không. Và ngay cả khi tham gia bơm tinh trùng (IUI) với tinh trùng bị phân mảnh thì khả năng đậu thai cũng bị giảm đi.
- Nam giới có vợ bị sảy thai liên tiếp: tức là bị sảy thai tự nhiên từ 2 thai trở lên. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc sảy thai trước 20 tuần, có liên quan đến việc tăng cao mức độ phân mảnh ở DNA từ tinh trùng của người chồng. Việc xác định nguyên nhân làm gia tăng SDF sẽ giúp bác sĩ điều trị có chiến lượt tốt hơn cho lần mang thai kế tiếp.
- Có bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh trên lâm sàng: Giãn tĩnh mạch thừng tinh gây tổn thương tinh hoàn và gia tăng SDF thông qua việc làm tăng nhiệt độ bên trong tinh hoàn và dòng tĩnh mạch chảy ngược mang theo các chất chuyển hóa ở thận và thượng thận, dẫn đến tăng các gốc oxy hóa độc hại gây chết tế bào tinh trùng. Việc điều trị bệnh lý này qua nhiều công bố khoa học cũng giúp cải thiện tốt vấn đề tinh trùng bị phân mảnh DNA và giúp có thai dễ dàng hơn.
- Nam giới phơi nhiễm với các yếu tố độc hại trong môi trường sống hay do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Bao gồm:
- Các tác nhân vật lý như bức xạ điện từ và nhiệt độ.
- Các tác nhân hóa học như khói thuốc lá, chất ô nhiễm trong không khí và thuốc dùng trong hóa trị liệu, hay thuốc điều trị các bệnh lý đặc biệt
- Các yếu tố sinh học bao gồm nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, nam giới lớn tuổi, tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và các tình trạng y tế như bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin…
KẾT LUẬN
Tính toàn vẹn DNA của tinh trùng là điều cần thiết cho quá trình sinh sản của con người. Nghiên cứu mở rộng trong hơn hai thập kỷ qua cho thấy có mối tương quan đáng kể giữa phân mảnh DNA của tinh trùng và cơ hội thụ thai tự nhiên hoặc thông qua hỗ trợ snh sản. Xét nghiệm SDF giúp cung cấp thông tin bổ sung cho phân tích tinh dịch đồ trong việc đánh giá khả năng sinh sản của nam giới, gợi ý hướng điều trị tối ưu cũng như tiên lượng được kết quả đậu thai sau đó.