PGS.TS Hồ Sỹ Hùng – Lệch cửa sổ làm tổ là nguyên nhân gây ra thất bại làm tổ liên tiếp
Trong bài báo cáo Thất bại làm tổ liên tiếp tại Hội nghị HASAM 2020, PGS. TS Hồ Sỹ Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết có nhiều nguyên nhân thất bại làm tổ liên tiếp (RIF) trong đó có nguyên nhân do lệch cửa sổ làm tổ.
“Không đồng bộ hóa giữa niêm mạc tử cung và tuổi phôi
Lệch cửa sổ làm tổ là nguyên nhân gây ra RIF, nhiều nghiên cứu đã chứng minh thất bại làm tổ có liên quan đến lệch cửa sổ làm tổ hay không đồng bộ hóa giữa niêm mạc tử cung và tuổi phôi (7), (8). Có nhiều phương pháp xác định cửa sổ làm tổ (Window of Implantation WOI) nhưng gầy đây ERA test (endometrial receptivity analysis) được nghiên cứu nhiều. Ruiz-Alonso so sánh giữa hai nhóm bệnh nhân RIF và bình thường cho thấy ở nhóm bệnh nhân RIF tỷ lệ lệch cửa sổ làm tổ là 25,9% so với nhóm bình thường là 12% (8).
Không đồng bộ hóa giữa niêm mạc tử cung và tuổi phôi cũng thường gặp ở các bệnh nhân bị lạc nội mạc trong cơ. Adenomyosis ngoài gây phản ứng viêm, tổn thương cơ tử cung và niêm mạc tử cung. Lệch cửa sổ làm tổ ở các bệnh nhân này cũng là một trong số các nguyên nhân gây ra RIF. Xét nghiệm ERA test cũng cho thấy ở các bệnh nhân này cửa sổ làm tổ cũng bị lệch tới 47% các trường hợp và tỷ lệ bệnh nhân RIF là 66% trong nhóm bệnh nhân adenomyosis (9).
Xác định chính xác cửa sổ làm tổ ở các bệnh nhân này cải thiện đáng kể tỷ lệ có thai, thậm chí giảm tỷ lệ sảy thai ở các bệnh nhân sảy thai liên tiếp.”
GS.TS Nguyễn Đình Tảo – Một trong những hướng điều trị thất bại làm tổ liên tiếp là đánh giá sự tiếp nhận của niêm mạc tử cung
Trong bài báo cáo Góc nhìn đa chiều về thất bại làm tổ liên tiếp: nguyên nhân và hướng điều trị, tại HASAM 2020, GS.TS Nguyễn Đình Tảo – Chủ tịch Hội Hỗ trợ sinh sản Tp.HN cho biết 1 trong những hướng điều trị thất bại làm tổ liên tiếp là đánh giá sự tiếp nhận của niêm mạc tử cung.
“Cửa sổ làm tổ (WOI) thường chỉ kéo dài trong 4 hoặc 5 ngày và bắt đầu vào khoảng 6 ngày sau khi rụng trứng [49]. Một trong những cơ chế có liên quan đến RIF là sự thay đổi khả năng tiếp nhận của niêm mạc tử cung, mà cụ thể là liên quan đến sự đến sớm hoặc muộn của WOI.
Ruiz-Alonso và cs đã sử dụng xét nghiệm đánh giá độ tiếp nhận của niêm mạc tử cung (endometrial receptivity array-ERA) để xác định WOI dựa trên 238 gen ở phụ nữ mắc RIF. Ở 25% bệnh nhân, thời gian WOI bị thay đổi, và dựa trên dữ liệu thu thập được từ ERA, người ta thay đổi thời gian chuyển phôi, điều đó làm tỷ lệ làm tổ tăng lên bằng tỷ lệ của những người WOI bình thường [50].
Một nghiên cứu tương tự đã được thực hiện bởi Hashimoto. Sử dụng xét nghiệm ERA, họ xác định xem niêm mạc tử cung có tiếp nhận hay không tiếp nhận trước khi thực hiện chuyển phôi. Phân theo kết quả ERA test, tỷ lệ có thai ở 2 nhóm tiếp nhận và không tiếp nhận là tương đương nhau (32,8% so với 31,6%) [51].
Từ 2 kết quả trên gợi ý rằng: ở một số bệnh nhân RIF có thể không tìm thấy bệnh lý thực thể mà do sự thay đổi WOI.”
PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi – Nên đánh giá cửa sổ làm tổ với người đã thất bại làm tổ nhiều lần
Tại IVF Expert 16, PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi - Giám đốc Trung tâm tế bào gốc máu cuống rốn, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, đã có bài báo cáo với chủ đề: Tối ưu kết quả chuyển phôi đông lạnh. Trong bài báo cáo PGS đã chia sẻ thông tin mới về xét nghiệm ERA giúp xác định cửa sổ chuyển phôi.
PGS Nguyễn Xuân Hợi cho biết: Endotrial Receptivity array (ERA) Test khảo sát 238 gen liên quan tới làm tổ. PGS chia sẻ nhiều khi phôi đẹp, niêm mạc đẹp, bệnh nhân trẻ tuổi nhưng chuyển phôi nhiều lần vẫn thất bại, các bác sĩ đã nghĩ đến thời điểm chuyển phôi.
Mục tiêu của xét nghiệm là xác định WOI (Window Of Implantation - cửa sổ làm tổ) theo cá thể hóa. Sinh thiết niêm mạc tử cung thực hiện vào ngày 7 sau khi có đỉnh LH hoặc ngày 6 của Progesterone trong chu kỳ nội tiết nhân tạo.
Kết quả đánh giá ở các mức: tiếp nhận, tiền tiếp nhận và hậu tiếp nhận
Nếu kết quả là tiền tiếp nhận thì sẽ chuyển phôi muộn hơn ở chu kỳ tiếp theo do vậy phải cá thể hóa việc chuyển phôi.
PGS Nguyễn Xuân Hợi cho biết nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh vai trò quan trọng của cửa sổ làm tổ.
Tại Việt Nam, PGS Nguyễn Xuân Hợi đã sử dụng xét nghiệm ERA Test (có tên là Genratest của xét nghiệm quốc tế GENTIS) cho 2 bệnh nhân đã thất bại làm tổ nhiều lần, 2 bệnh nhân này sau khi chuyển phôi đúng thời điểm cửa sổ làm tổ đã mang thai. BS Hợi hy vọng tại Việt Nam sẽ có nhiều hơn các nghiên cứu về Genratest để hỗ trợ cho các bác sĩ trong việc xác định cửa sổ làm tổ.
BS Nguyễn Xuân Hợi cho rằng: Mặc dù ERA test còn nhiều tranh cãi nhưng với những trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần dù phôi đẹp, niêm mạc tử cung tốt… thì chúng ta cũng nên đánh giá xem cửa sổ làm tổ của bệnh nhân ra sao.
Kết quả nghiên cứu Cửa sổ làm tổ (Genratest) tại GENTIS
Thực hiện: Tại 4 trung tâm IVF lớn ở Hà Nội và HCM
Thời gian: từ 11/2019 – 7/2020 với 101 mẫu.
Kết quả sau xét nghiệm:
- 50/101 (49.5%) mẫu ở trạng thái không tiếp nhận (ngoài cửa sổ chuyển phôi): 26 ca chuyển phôi theo kết quả Genratest: 21/26 (80.77%) thành công làm tổ, 1 ca sinh hóa, 4 ca âm tính.
- 51/101 (50.5%) mẫu ở trạng thái tiếp nhận (cửa sổ chuyển phôi): 30 ca chuyển phôi theo kết quả Genratest: 19/30 (63.33%) làm tổ thành công, 11/30 (36.67%) âm tính.
- Tổng hợp: 56/101 bệnh nhân thực hiện chuyển phôi theo Genratest: tỷ lệ làm tổ thành công là 71.43%% (40/56), 1.79% mang thai sinh hóa (1/40).
Tuyết Mai (tổng hợp)