Trong hai ngày 27 và 28/11, Hội nghị Sản phụ khoa miền Trung – Tây Nguyên mở rộng năm 2021 được tổ chức tại Trường đại học Y Dược Huế theo hình thức online chính thức khai mạc.
Hội nghị lần này được tổ chức dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, GS.TS. Cao Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy và TS. Lê Quang Thanh.
Hội nghị Phụ sản Miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ IX đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với hơn 1.000 đại biểu là các chuyên gia sản phụ khoa hàng đầu, các nhà khoa học, các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, học viên trong lĩnh vực sản phụ khoa trong và ngoài nước; đặc biệt có sự tham dự của các báo cáo viên là Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Hội Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) Thế giới và châu Á.
Hội nghị năm nay hội tụ các chuyên gia hàng đầu trên Thế giới như GS. Sun-Wei Guo - Chủ tịch Hội LNMTC Thế giới (WCE), GS. Khaleque Khan - Đại sứ Hiệp hội LNMTC Châu Á (ASEA), GS. Yutaka Osuga - Chủ tịch Hiệp hội Y học sinh sản Nhật Bản - Bệnh viện Đại học Tokyo, BSCKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, PGS.TS. Lê Minh Tâm - Trường Đại học Y Dược Huế.
Tại Phiên IVA - Sản khoa & Chẩn đoán tiền sản, Ths. Nguyễn Quang Vinh (Giám đốc trung tâm xét nghiệm GENTIS) đã trình bày bài Báo cáo với chủ đề: Phát triển và áp dụng xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi (PGT-M) cho bệnh Thalassemia ở Việt Nam.
Thông qua báo cáo, Ths. Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra những khái niệm tổng quan về bệnh Thalassemia. Từ đó làm tiền đề cho việc ứng dụng xét nghiệm PGT-M trong việc phát hiện sớm bệnh Thalassemia và những bệnh hiếm khác từ phôi bào. Đây là một xét nghiệm mang ý nghĩa lớn trong việc sàng lọc phôi tiền làm tổ. Việc sàng lọc sớm được các bệnh hiếm trong di truyền sẽ giúp nâng cao chất lượng phôi, góp phần giúp giảm các nguy cơ sau thời gian phôi làm tổ. Tuy nhiên công nghệ này cũng có rất nhiều vấn đề cần chú ý bởi nếu không kiểm soát tốt các yếu tố có thể đưa ra kết luận không đúng về tình trạng di truyền bệnh của phôi dẫn đến lựa chọn chuyển phôi mang bệnh hoặc bỏ lỡ các phôi tốt.
Vì vậy, GENTIS đã xây dựng một quy trình nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối thiểu các ảnh hưởng để đưa ra một xét nghiệm với độ chính xác và tin cậy cao nhất tới khách hàng. Hy vọng sau bài báo cáo của GENTIS, các bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ có thêm sự lựa chọn trong việc giúp đỡ những cặp vợ chồng có nguy cơ di truyền bệnh Thalassemia có giải pháp sinh con khỏe mạnh, không mang gen bệnh nhờ kỹ thuật PGT-M xác định di truyền trước chuyển phôi.
Hội nghị Phụ Sản miền Trung - Tây Nguyên mở rộng lần thứ IX năm 2021 đã kết thúc tốt đẹp và mang lại nhiều kiến thức hữu ích. Đây là cầu nối quan trọng giúp Hội Phụ sản Việt Nam và các đồng nghiệp tạo dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài, đồng thời cùng trau dồi thêm kiến thức về các lĩnh vực Sản khoa Sơ sinh, Phụ khoa, Nội tiết Vô sinh. Mong rằng những hội nghị tới sẽ được tổ chức nhiều hơn, chất lượng hơn để phục vụ cho các bác sĩ, nhà nghiên cứu chuyên ngành phụ sản, hỗ trợ sinh sản trên cả nước.