Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2023 - Hội Y học giới tính Việt Nam thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu
Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2023 - Hội Y học giới tính Việt Nam có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Quang – Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam; PGS.TS Đoàn Minh Thụy - Phó Chủ tịch Tổng thư ký Hội Y học Giới tính Việt Nam, PGS.TS Lê Minh Tâm - Giám đốc TT Nội tiết Sinh sản & Vô Sinh Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế,… cùng khoảng 300 đại biểu đang hoạt động trong lĩnh vực y học giới tính đến từ các bệnh viện, trung tâm lớn trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên lần lượt trình bày những kết quả, thành tựu nghiên cứu mới nhất liên quan tới chăm sóc sức khỏe tình dục cho cả nam và nữ. Sau mỗi phiên báo cáo là phần diễn giả, chuyên gia cùng đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực Y học giới tính và sức khỏe sinh sản.
PGS.TS Nguyễn Quang (Chủ tịch Hội Y học giới tính) và PGS.TS Lê Minh Tâm (Giám đốc TT Nội tiết Sinh sản & Vô Sinh Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế)
Về phía GENTIS, TS Phạm Đình Minh (Giám đốc R&D) đã có bài trình bày chi tiết về chủ đề “Xét nghiệm gene trong sàng lọc & chẩn đoán bất thường phát triển giới tính” trước toàn hội nghị. Cụ thể, TS Minh cho biết, biệt hóa giới tính bắt đầu từ tuần thứ 6 của thai, khởi động bằng sự hoạt động của gene SRY (sex determining region Y), sau đó là chuỗi hoạt động và điều hoà lẫn nhau của loạt các gene liên quan: SOX9, FOXL2, WNT4, RSPO1, DAX1… và các yếu tố ngoại gene.
TS Phạm Đình Minh (Giám đốc R&D) báo cáo chủ đề “Xét nghiệm gene trong sàng lọc & chẩn đoán bất thường phát triển giới tính” trước toàn hội nghị
Sự rối loạn ở bất cứ một giai đoạn nào của quá trình biệt hoá giới tính sinh dục trong thời kỳ phôi thai đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ quan sinh dục, sự phát triển (thể chất, sinh lý, thần kinh) và sinh sản. Vì vậy, các xét nghiệm di truyền là rất quan trọng để chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân cụ thể của tình trạng rối loạn phát triển giới tính.
Ngoài ra, TS Minh cũng cung cấp đến hội nghị một số xét nghiệm gene và di truyền tại GENTIS đã, đang thực hiện, phát triển để hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán, đánh giá các yếu tố nguy cơ, từ đó giúp định hướng điều trị cho từng bệnh nhân như PGT, NIPT, Karyotype, WES/ WGS,... Phần báo cáo của TS Phạm Đình Minh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Quý đại biểu có mặt tại hội nghị vì tính cấp thiết và thực tiễn trong sàng lọc, chẩn đoán bất thường phát triển giới tính hiện nay.
Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2023 - Hội Y học giới tính Việt Nam chính là cơ hội để các đại biểu kết nối, hợp tác cùng phát triển các ý tưởng nghiên cứu mới, chuyên sâu, liên quan. Một lần nữa, GENTIS xin chúc mừng Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp!