Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Học viện Quân Y (10/3/1949-10/3/2024), Học viện đã tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Cập nhật kiến thức, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân” trong ngày 4-5/3/2024.
Diễn ra trong hai ngày, chương trình đào tạo y khoa liên tục (CME) và hội nghị khoa học chính thức đã thu hút hơn 500 đại biểu tham dự bao gồm các chuyên đề đào tạo như:
- CME1: Cập nhật các phương pháp phẫu thuật tạo hình tái tạo vú và di chứng sau điều trị ung thư vú.
- CME2: Kiểm soát nhiễm khuẩn
- CME3: Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
- Phiên toàn thể với nhiều báo cáo từ chuyên gia quốc tế như:
+ Thực trạng và những tiến bộ về ghép tạng tại Việt Nam - GS.TS. Phạm Gia Khánh, Hội ghép tạng Việt Nam
+ Ứng dụng công nghệ y học hiện đại trong điều trị người bị thương và bị nạn - Prof. Ivchenko E.V., Học Viện Quân y S.M Kirov, LB Nga
+ Sáng kiến châu Á-Thái Bình Dương về hợp tác một sức khỏe để chống lại tình trạng kháng kháng sinh (AMR) - Prof. Motoyuki Sugai, Viện truyền nhiễm Quốc gia, Nhật Bản
- Chuyên đề 1: Y học quân sự
- Chuyên đề 2: Kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống bệnh truyền nhiễm
- Chuyên đề 3: Ngoại khoa và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ
- Chuyên đề 4: Nội khoa và Ung thư
- Chuyên đề 5: Tiến bộ mới về công nghệ sinh học và khoa học y sinh
- Chuyên đề 6: Dioxin và bệnh nghề nghiệp
Công ty GENTIS vinh dự là nhà tài trợ của Hội nghị, được báo cáo trực tiếp và cung cấp các tài liệu nghiên cứu, báo cáo cho hội nghị; đồng thời chia sẻ những thông tin hữu ích, chuyên sâu về các vấn đề di truyền trong hỗ trợ sinh sản tại phiên CME3.
Với cương vị chủ toạ phiên CME3, GS.TS.BS Nguyễn Đình Tảo (Chủ tịch Hội hỗ trợ sinh sản) đã điều phối chương trình và đưa ra những nhận định rõ nét về tầm quan trọng của xét nghiệm di truyền trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.
Mở đầu buổi đào tạo là báo cáo của PGS.TS. Lê Hoàng (Giám đốc TTHTSS BVĐK Tâm Anh) với nội dung “Vai trò của di truyền trong hỗ trợ sinh sản” đã thu hút sự chú ý của đông đảo bác sĩ tham dự. Theo phó giáo sư Lê Hoàng, sự kết hợp giữa di truyền và hỗ trợ sinh sản giúp tạo ra nhiều triển vọng mới nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân hiếm muộn. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các chuyên gia trong lĩnh vực di truyền để hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng. Việc chỉ định, tư vấn và phiên giải các kết quả xét nghiệm di truyền sẽ là một thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng chưa tiếp cận nhiều với lĩnh vực này.
Chủ đề trình bày tiếp theo được nhiều bác sĩ hỗ trợ sinh sản quan tâm đó là “Chuyển phôi thể khảm: Khuyến cáo quốc tế và thực hành lâm sàng tại Việt Nam” do PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng (Phó Giám đốc TTHTSS Quốc Gia, BV PSTW) chia sẻ. Trong bài báo cáo này, GENTIS vinh dự được cung cấp số liệu khảo sát năm 2023 tại TTHTSS Quốc Gia với số phôi khảo sát là 513 mẫu, cho thấy tỉ lệ phôi khảm chiếm tới 30.6%. Phó giáo sư cũng chỉ ra điểm cần lưu ý khi đọc các kết quả xét nghiệm phôi gặp trường hợp thể khảm, và thứ tự ưu tiên khi chuyển phôi khảm theo quốc tế và thực tế lâm sàng tại Việt Nam.
Bên cạnh điều trị cho nữ giới, chủ đề vô sinh nam “Bất thường NST Y gây vô sinh” cũng là nội dung hấp dẫn được PGS.TS.BS Trịnh Thế Sơn (Giám đốc Viện mô phôi lâm sàng Quân đội) trình bày. Phó giáo sư đã chỉ ra các bất thường ở NST Y như chuyển đoạn, vi mất đoạn và bất thường số lượng NST Y gây ra nhiều bệnh vô sinh ở nam giới như: 46,XX; mất đoạn AZF a,b,c; Klinefelter; 47,XYY… Từ đó, PGS. Sơn chia sẻ thực tế lâm sàng các ca bệnh đã điều trị thành công vô sinh nam và nhiều nghiên cứu trên thế giới.
Cuối phiên đào tạo CME3, TS. Phạm Đình Minh (Giám đốc TT R&D GENTIS) đã cập nhật tới các bác sĩ lâm sàng về chủ để “Ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học phát triển các xét nghiệm gene và di truyền trong hỗ trợ sinh sản”. Với vị thế là công ty tiên phong trong lĩnh vực di truyền, GENTIS đã cung cấp hệ sinh thái gene toàn diện ứng dụng từ thời kỳ tiền mang thai, thai kỳ và sinh con khoẻ mạnh. TS. Minh đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của bác sĩ di truyền và các hoạt động tư vấn di truyền cho người bệnh nhằm có chỉ định điều trị tốt nhất cho gia đình hiếm muộn.
Kết thúc chương trình là phần tham luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự xoay quanh các chủ đề như: xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán bệnh Thalassemia và phương pháp giúp gia đình mắc bệnh có thể sinh con khoẻ mạnh; các chỉ định theo dõi thai kỳ sau chuyển phôi khảm; tiềm năng của xét nghiệm phân tích môi trường nuôi cấy phôi trong hỗ trợ sinh sản…
Hội nghị khoa học Kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện Quân Y đã diễn ra thành công rực rỡ với sự điều phối và trình bày từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Một lần nữa GENTIS xin chúc mừng Hội nghị và hãy cùng GENTIS nhìn lại một số hình ảnh tại sự kiện nhé!