Chồng vội mang con đi xét nghiệm vì thấy con không giống mình
Lấy nhau nhiều năm, anh Dũng và chị Thanh (Hà Nội) luôn sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Cả hai đã có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn.
Ngoài xã hội, anh là người giỏi giang, thành đạt. Trong gia đình, anh luôn hết lòng giúp đỡ vợ con kể cả việc nhà, bếp núc. Ai cũng nói vợ anh tốt số, lấy được người chồng hết mực yêu thương, che chở. Trong lòng anh, vợ con chính là tất cả.
Nhưng hôm nay, một câu nói đùa bâng quơ của bạn lại khiến người đàn ông bao năm vì gia đình chột dạ. Bởi anh luôn đau đáu về quá khứ của vợ.
Vợ anh đã từng yêu tha thiết một người đàn ông nhưng rồi bị phản bội. Ngay lúc cô đau buồn, anh lại ở bên. Đối với vợ, anh là người nâng đỡ niềm tin sau cú ngã. Cảm động trước tấm chân tình của anh Dũng, chị đã gật đầu chấp nhận lời cầu hôn.
5 năm qua, cuộc sống vợ chồng vui vẻ, anh chẳng chút hoài nghi. Con trai và vợ chính là động lực cho anh phấn đấu. Anh cưng chiều con hết mực, lo cho con mọi thứ tốt nhất.
Lại nghĩ về câu nói “con mày chẳng giống bố” của người bạn mà anh có chút lấn cấn. Chuyện con không giống cha vốn không phải chuyện gì lạ nhưng vợ anh lại có một quá khứ rất “bi thương”.
Trong đầu anh chợt nảy ý định đi xét nghiệm quan hệ huyết thống cha con. Anh mang sinh phẩm của mình và con đến trung tâm xét nghiệm. Những ngày chờ đợi hồi hộp khiến anh mất ăn mất ngủ. Bản thân anh đã nghi ngờ vợ và cũng rất lo lắng nếu con trai không phải là con đẻ của mình. Vậy thì gia đình anh sẽ ra sao? Hạnh phúc của anh sẽ đổ bể?
Khi được trung tâm xét nghiệm đưa ra tờ giấy chứng nhận anh và con có quan hệ huyết thống, khuôn mặt anh không hề vui. Anh có vẻ vẫn hoài nghi về kết quả này.
Anh Dũng liên tục thắc mắc, tại sao con và anh không có nét nào giống nhau. Hơn cả, anh lại thấy con mình có nét hao hao giống tình cũ của vợ. Ám ảnh về “tình địch” và những lời nói của bạn bè thực sự đã khiến cho tâm trí anh Dũng rối bời.
Anh thậm chí còn không tin vào tờ kết quả chính mắt nhìn thấy. Sau đó, anh được các chuyên gia chỉ rõ và đưa ra những lập luận về kết quả khiến anh “tâm phục khẩu phục”.
Đại tá Hà Quốc Khanh, chuyên gia của Trung tâm Xét nghiệm Gentis cho biết: “Việc các nét trên gương mặt con không giống bố mẹ không phải là biểu hiện quyết định huyết thống. Bởi các đặc điểm biểu hiện ra bên ngoài chỉ là những kiểu hình được thể hiện thông qua gen di truyền.
Trong cơ chế di truyền gen, các gen lặn/trội trong quá trình kết hợp giữa kiểu gen của bố và mẹ có thể tạo ra những kiểu hình biểu hiện ra bên ngoài không giống bố/mẹ mà có thể là di truyền từ đời trước. Việc này được hiểu là do cơ chế di truyền gen có mang yếu tố dòng tộc.
Đại tá Hà Quốc Khanh cũng cho hay, trung tâm cũng có gặp khá nhiều trường hợp nghi ngờ kết quả. Tuy nhiên sau khi được các chuyên gia phân tích về bảng kết quả thì khách hàng không còn bất cứ nghi ngờ nào về kết quả xét nghiện ADN được nhận”.
Câu chuyện của anh Dũng là lời nhắc nhở cho những người có suy nghĩ sai lầm về quan hệ huyết thống. Đặc điểm giống nhau trên khuôn mặt có hay không không quyết định quan hệ cha con.
Tra khảo vợ, xét nghiệm huyết thống vì thấy con không cùng nhóm máu với cha
Trường hợp của anh Dũng cũng không phải là hiếm. Trên thực tế có rất nhiều người nghi ngờ quan hệ huyết thống cha con khi thấy “dấu hiệu khả nghi”. Điển hình là việc phủ nhận quan hệ cha con khi thấy con không cùng nhóm máu với mình.
Đa số nghĩ đã là cha con thì phải chung nhóm máu và có thể truyền máu cho nhau trong bất cứ trường hợp nào. Xung quanh vấn đề này, có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Nhiều năm, anh Tú không biết nhóm máu của mình. Ngay cả người nhà nhóm máu gì, anh cũng không hay. Anh ít khi để ý tiểu tiết dù đi thăm khám, lấy máu xét nghiệm nhiều lần.
Mọi chuyện bắt đầu khi con anh gặp nạn, cần truyền máu. Khi bác sĩ gọi người thân vào lấy mẫu máu, anh hốt hoảng phát hiện mình và con không cùng nhóm máu. Nhìn sang người vợ, anh có vẻ nghi ngờ. Vợ anh cũng lắc đầu không hiểu chuyện gì xảy ra.
Khi mọi việc đã ổn, con anh cũng dần khỏe lại, anh bắt đầu tra khảo vợ. Vợ anh khóc lóc vì bị chồng nghi ngờ. Chị khẳng định cả đời này mới chỉ biết đến người đàn ông là anh. Chị chưa từng qua lại với ai và cũng không cảm thấy hổ thẹn với lòng. Nếu anh thích xét nghiệm ADN, chị sẵn sàng.
Dù vợ đã thề thốt nhưng anh Tú vẫn không tin. Anh khẳng định nếu đã là cha con thì phải có cùng nhóm máu. Anh nghĩ, có thể vợ đang lừa dối mình. Vậy nên anh quyết định xét nghiệm quan hệ huyết thống với con trai. Anh lo mình đã “nuôi con tu hú” suốt nhiều năm.
Anh đưa con đi xét nghiệm. Sau thời gian chờ đợi kết quả, anh nhận được tờ xác nhận quan hệ huyết thống cha con. Cầm kết quả của trung tâm xét nghiệm trên tay, anh vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bởi anh nghĩ, anh với con không cùng nhóm máu thì chắc chắn không thể là cha con. Vậy mà tờ kết quả lại chứng minh anh với con là cha con ruột.
Chuyên gia Hà Quốc Khanh chia sẻ, mặc dù phương pháp tính nhóm máu có thể dự đoán được khả năng mối quan hệ huyết thống cha con nhưng độ chính xác rất thấp, do đó không được chấp nhận cho mục đích pháp lý.
Di truyền nhóm máu ABO hay Rh là do ADN quyết định, người con đương nhiên là được thừa hưởng nhóm máu do bố mẹ truyền cho. Tuy nhiên, nhóm máu của con không phải khi nào cũng giống bố mẹ vì đó chỉ là biểu hiện của gen, nhóm máu phụ thuộc vào tính trạng trội hoặc lặn trong hệ thống nhóm máu ABO.
Theo đó gen quy định nhóm máu A và B là trội so với nhóm O. Chẳng hạn người có nhóm máu A thì kiểu gen có thể là AA hoặc AO, ngược lại người có nhóm máu O kiểu gen chỉ là OO. Do vậy việc con có cùng hay khác nhóm máu với bố mẹ không giải đáp được câu hỏi đứa con đó có cùng huyết thống hay không. Trừ khi bố mẹ cùng có nhóm máu O mà con lại có nhóm máu A, B hoặc AB thì sẽ là không có quan hệ huyết thống.
Hi vọng, từ câu chuyện của anh Tú, nhiều người sẽ hiểu ra rằng, không phải cứ là cha con ruột thì sẽ chung nhóm máu. Đây cũng là giải đáp thắc mắc cho nhiều người để tránh có những hiểu lầm đáng tiếc, ảnh hưởng mối quan hệ gia đình.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tú Linh
Theo báo Vietnamnet