IVF UPDATING là chuỗi sự kiện được Hội hỗ trợ sinh sản Hà Nội tổ chức dành cho các chuyên gia phôi học, các y bác sĩ hỗ trợ sinh sản với nhiều chủ đề chuyên môn xoay quanh việc ứng dụng những kỹ thuật mới trong IVF.
GENTIS được vinh dự đồng hành cùng sự kiện từ những số đầu tiên vào tháng 06/2019, đến nay GENTIS đã trở thành nhà tài trợ kim cương sau 7 số sự kiện diễn ra.
IVF UPDATING 08 & ART ADVANCED năm nay được tổ chức bởi sự kết hợp giữa Bệnh viện Nam học Hà Nội và Hội hỗ trợ sinh sản thành phố Hà Nội, xoay quanh chủ đề “Vai trò nam khoa trong hỗ trợ sinh sản”.
Buổi hội thảo khoa học đã đón tiếp hơn 100 vị khách quý đến tham dự như: GS.TS Nguyễn Đình Tảo - Chủ tịch Hội hỗ trợ sinh sản HN; GS.TS Trần Đức Phấn - Chủ tịch Hội di truyền Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Quang - Giám Đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Giám Đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn HN - Nguyễn Văn Cường; Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - ThS.BS Lê Thị Thu Hiền.
Cùng rất nhiều báo cáo viên gồm: PGS.TS.BS Trịnh Thế Sơn - Giám đốc Viện mô phôi lâm sàng Quân đội, học viện Quân Y; PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng - Phó giám đốc TT Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương; ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân HCM; TS Phạm Đình Minh - Giám đốc TT Nghiên cứu và Phát triển GENTIS; BS Nguyễn Ngọc Chiến - IVF Bệnh viện Vinmec và nhiều đại biểu khác đến từ các Trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc.
Trong buổi hội thảo, nhiều bài báo cáo quan trọng và ý nghĩa về giải pháp hỗ trợ sinh sản chuyên sâu trong nam khoa đã được các diễn giả trình bày. Những kiến thức về công nghệ, kỹ thuật đột phá được nói đến trong chương trình nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự, các cuộc thảo luận diễn ra vô cùng sôi nổi.
Mở đầu là bài trình bày của PGS. TS. BS Trịnh Thế Sơn - Giám đốc Viện mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân Y về chủ đề “Cập nhật tình hình nam học trên thế giới và tại Việt Nam”. PGTS.TS.BS Trịnh Thế Sơn cho biết trong thực hành lâm sàng, chúng ta phải cá thể hóa từng cặp vợ chồng. Việc quản lý chẩn đoán điều trị vô sinh đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bác sĩ nam khoa, bác sĩ hỗ trợ sinh sản và nhà phôi học. Mặc dù hỗ trợ sinh sản là phương án cuối cùng nhưng việc điều trị cho nam giới không tốt sẽ ảnh hưởng tới kết quả, chi phí và gánh nặng tâm lý cho người bệnh. PGS.TS.BS Trịnh Thế Sơn nhận định, tại Việt Nam, vai trò nam học trong hỗ trợ sinh sản rất quan trọng và ngày càng được quan tâm tuy nhiên các xét nghiệm và kiến thức cần được phổ biến rộng rãi hơn nữa.
Tiếp theo, ThS.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, thuộc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã có bài báo cáo “Đánh giá đặc điểm vi mất đoạn AZF và kết quả thu tinh trùng ở nam giới vô sinh tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội”. Trong bài báo cáo, bác sĩ nói rằng một trong những nguyên nhân lớn gây vô sinh ở nam giới là nguyên nhân di truyền liên quan đến một số gen nằm ở vùng Yq11 trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y, từ đó dẫn tới yếu tố gây vô tinh (Azoospermia Factor-AZF). Bác sĩ cho biết vi mất đoạn AZFc là vi mất đoạn thường gặp nhất (chiếm 93,98%) trong tổng số các loại vi mất đoạn AZF (có thể là mất đoạn AZFc đơn thuần hoặc phối hợp với các mất đoạn khác). Ngoài ra mật độ tinh trùng và khả năng thu tinh trùng phụ thuộc vào từng loại vi mất đoạn khác nhau: những người bệnh mất đoạn AZFa đa số đều vô tinh, trong khi nhóm đột biến mất đoạn AZFb, AZFc, AZFd có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, có thể là tình trạng từ vô tinh đến thiểu tinh nặng hoặc nhẹ. Tỷ lệ thu tinh trùng từ bệnh nhân có đột biến AZF trong nghiên cứu là 67/95 (70,53%) và tỷ lệ mổ mTESE có tinh trùng là 17/32 (chiếm 53/13%).
Bên cạnh đó, PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng - Phó Giám đốc TT Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện phụ sản Trung Ương đã có bài phát biểu về căn bệnh lây qua đường tình dục STDs ở nam giới và xét nghiệm sàng lọc bệnh STDs trong hỗ trợ sinh sản. Theo đó, các tác nhân gây ra bệnh STDs thường là do vi khuẩn (chlamydia trachomatis, lậu cầu mycoplasma, giang mai...); do virus (HPV, HIV, viêm gan B, viêm gan C,...); hoặc do ký sinh trùng (trichomonas vaginalis). Các cơ chế gây vô sinh khi bị nhiễm STDs gồm có:
- Gây ra các phản ứng viêm
- Ảnh hưởng đến bài tiết của các tuyến, tạo môi trường không thuận lợi
- STD gây tổn thương tinh trùng, tạo tinh trùng bất thường và đứt gãy ADN
- Gây tắc nghẽn đường dẫn tinh
- Tạo kháng thể kháng tinh trùng
- Thay đổi hormone do tổn thương tế bào Leydig
Như vậy, PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng kết luận STD có thể gây ra vô sinh nam với các cơ chế làm tắc đường dẫn tinh, tổn thương số lượng, chất lượng tinh trùng. Nhiều nam giới mắc bệnh vì không có biểu hiện triệu chứng nên dễ bị bỏ qua. PGS.TS.BS Hồ Sỹ Hùng khuyến nghị người bệnh và các bác sĩ nên quan tâm chú ý đến thể trạng sức khỏe, chức năng sinh lí nhiều hơn vì phát hiện sớm sẽ giúp cho việc điều trị diễn ra tốt nhất.
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện bình dân TPHCM cũng chia sẻ về các cập nhật trong điều trị vô sinh nam và vai trò của gen. Theo đó, với những người bệnh dưới 10 triệu tinh trùng, Hội niệu khoa Châu Âu sẽ làm karyotype, tuy nhiên đối với Hội niệu khoa Hoa Kỳ, trường hợp người bệnh dưới 5 triệu tinh trùng sẽ được chỉ định làm phẫu thuật nhiễm sắc thể. Ngoài ra, với trường hợp vô tinh không bế tắc liên quan đến vấn đề xảy thai liên tục, hoặc bệnh nhân không mang thai thì sẽ được làm bộ nhiễm sắc thể từ các lần khám. Về phân mảnh của nhiễm sắc thể, kỹ thuật Y chromosome sẽ được thực hiện nếu lượng tinh trùng dưới 1 triệu/ml (vì số lượng và tần suất lưu hành của Y chromosome tương đối thấp).
Trong chương trình, TS Phạm Đình Minh - Giám đốc TT Nghiên cứu và Phát triển GENTIS cũng đã có một bài giới thiệu về xét nghiệm mới đang được triển khai tại GENTIS như: Xét nghiệm bất thường lệch bội nhiễm sắc thể tinh trùng (Gen-SAT); Spermcheck - que kiểm tra nhanh tinh trùng mới; Stress oxy hóa tinh trùng; STDs - các bệnh lây qua đường tình dục (13 tác nhân mới); Phân tích gen/ di truyền chuyên sâu (Fertiscani); Xét nghiệm ung thư nam giới,... Đặc biệt hơn là xét nghiệm PGT phân giải cao PGT-Max1 sắp được GENTIS ra mắt. Đây là xét nghiệm đột phá, nâng cấp của xét nghiệm PGT, có khả năng phát hiện thêm bất thường vi mất đoạn/ vi lặp đoạn (kích thước > 2mb) liên quan đến một số bệnh/ hội chứng di truyền phổ biến (hội chứng DiGeorge và hội chứng mất đoạn 1p36). TS Phạm Đình Minh hứa hẹn GENTIS sẽ luôn nỗ lực nghiên cứu, không ngừng cải tiến những giải pháp công nghệ, các kỹ thuật xét nghiệm để có thể đồng hành cùng các Trung tâm hỗ trợ sinh sản, các bệnh viện, các y bác sĩ cùng người bệnh một cách trọn vẹn nhất.
Hội thảo khoa học IVF UPDATING 08 & ART ADVANCED 06 đã nhận được rất nhiều đánh giá cao của các chuyên gia phôi học và các bác sĩ hỗ trợ sinh sản… GENTIS rất vinh dự khi là nhà tài trợ kim cương cho sự kiện lần này. Một lần nữa GENTIS kính chúc hội thảo IVF Updating sẽ ngày càng thành công hơn và GENTIS cũng rất hân hạnh được đồng hành cùng Hội hỗ trợ sinh sản Hà Nội trong những sự kiện tiếp theo.
Vân Anh