Theo báo cáo của TP Hà Nội vào tháng 3, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, trong đó nhánh BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu xét nghiệm.
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra Omicron vào tháng 11/2021. Họ nhanh chóng xác định, dòng virus này tồn tại dưới 3 dạng có sự khác biệt về mặt di truyền gồm: BA.1, BA.2, BA.3. Mỗi nhánh của Omicron có một tập hợp các đột biến riêng biệt.
Vào thời điểm đó, phổ biến nhất là BA.1 và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. BA.1 gần như là nguyên do chính dẫn tới mức tăng đột biến kỷ lục các ca Covid-19 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Omicron đã lây lan như thế nào?
Đại học John Hopkins đã thống kê được, có hơn 400 triệu trường hợp được xác nhận mắc Omicron trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới hiện vẫn chưa coi BA.2 là một "biến thể đáng lo ngại" nhưng vẫn đang tiếp tục theo dõi sự lây lan của nó. Theo đó, biến thể phụ BA.2 đang dần thay thế chủng Omicron ban đầu ở các quốc gia. Tại Đan Mạch, hơn 50.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận mỗi ngày chỉ trong vài tuần. BA.2 hiện đang được cho là phiên bản phổ biến nhất của Omicron cũng ở một số vùng của Ấn Độ và Philippines. Nó là tác nhân gây ra khoảng 250 trường hợp dương tính ở hơn một nửa số tiểu bang tại Hoa Kỳ.
Mauro Pistello, giám đốc đơn vị virus học của Bệnh viện Đại học Pisa cho biết: “Hiện nay ở Ý, chúng tôi chỉ có thể nói rằng biến thể Omicron đã áp đảo Delta, và có lẽ sắp đạt tỷ lệ 100%”. Bên cạnh đó, nhà miễn dịch học của Đại học Milan - Sergio Abrignani - đưa ra giả thuyết rằng: với Omicron, virus sẽ trở thành một loài đặc hữu.
Biến thể phụ BA.2 có chung nguồn gốc và thời gian phát triển với BA.1 nhưng do thiếu một số protein quan trọng trong quá trình tiến hoá nên nó được gọi là “biến thể tàng hình”. Theo một nghiên cứu tại Pháp, các chuyên gia đã thấy rằng: Tải lượng virus thấp hơn trong quá trình nhiễm Omicron có thể ảnh hưởng đến việc chẩn đoán có virus, dẫn đến các trường hợp âm tính giả tăng so với biến chủng Delta.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện tại Hong Kong, các chuyên gia nhận thấy các biến thể của Omicron vẫn chưa mang những đặc trưng đầy đủ và khó thể nhận ra chỉ dựa trên những đặc điểm giải trình tự thông thường. Phát hiện này giải thích cho việc xét nghiệm kết quả âm tính giả tăng lên khi làm RT-PCR GenS. Nhiều đột biến được tìm thấy trong Protein S làm thay đổi tính kháng nguyên và khả năng lây truyền của virus SARS-CoV-2.
Đặc tính các biến thể Omicron
Tờ National Geographic đưa tin rằng, các ước tính ban đầu của Viện Huyết thanh quốc gia Đan Mạch cho thấy BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng BA.1 trước đó. Còn theo nghiên cứu của Cơ quan An toàn Y tế Vương quốc Anh, khả năng lây truyền của BA.2 so với BA.1 là khoảng 30%.
Theo các ghi nhận hiện nay, trường hợp mắc Omicron biến chuyển nặng thấp hơn so với các biến thể trước đó. Ở Vương quốc Anh, hầu hết các trường hợp phải vào ICU là do biến thể Delta gây nên.
Mặc dù BA.2 trông khá khác biệt so với biến thể Omicron ban đầu, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy nó nghiêm trọng hơn các biến thể trước. Dữ liệu của Đan Mạch và Vương quốc Anh đều không cho thấy sự khác biệt về số lần nhập viện giữa các biến thể BA.1 và BA.2. WHO cũng báo cáo rằng ở các quốc gia khác nơi BA.2 đang lan rộng, số ca nhập viện không tăng nhanh hơn bình thường.
Khi Omicron lần đầu tiên xuất hiện, các nhà khoa học bày tỏ e ngại khi biến thể này có thể tránh được khả năng miễn dịch do nhiễm các biến thể trước đó. Omicron có các đột biến làm thay đổi bề mặt của virus khiến các kháng thể trên khó tác động.
Các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu BA.2 tránh được khả năng miễn dịch có từ BA.1 hay không do 2 biến thể này có một số đột biến khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, nhiễm BA.1 cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại BA.2.
Nguồn:
2.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8798678/
3.https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2022.02.02.22269653v1.full